KIÊN GIANG Mùa nước nổi năm 2023, huyện Giồng Riềng hỗ trợ nông dân thả nuôi 500ha cá trên ruộng lúa, dự kiến thu hoạch trên 750 tấn cá đồng các loại.
Lợi thế nuôi cá trên ruộng lúa
Tháng 8, khi nông dân thu hoạch xong vụ lúa, cũng là thời điểm mùa nước nổi rục rịch tràn về. Gốc rạ được phù sa cung cấp thêm dưỡng chất đã tái sinh (lúa chét) xanh mướt. Đây là môi trường thuận lợi để thả nuôi các loại cá đồng, với chi phí đầu tư thấp nhưng chất lượng cá thương phẩm lại rất cao, không thua kém gì cá đồng tự nhiên.
Năm 2023, huyện Giồng Riềng hỗ trợ nông dân thả nuôi 500ha cá trên ruộng lúa, khi mùa nước nổi tràn đồng, nông dân bắt đầu quây lưới quanh ruộng và thả cá giống để nuôi. Ảnh: Trung Chánh.
Huyện Giồng Riềng thuộc vùng Tây sông Hậu của tỉnh Kiên Giang, có hệ thống kênh rạch, sông ngòi chằng chịt là điều kiện và môi trường thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Nông dân Giồng Riềng đã phát triển nhiều loại hình nuôi thủy sản như nuôi trong vèo, nuôi trong ao đất, nuôi trên ruộng lúa. Trong đó, nuôi cá trên ruộng lúa là mô hình được nhiều nông dân áp dụng, do dễ thực hiện, chi phí đầu tư thấp, lợi nhuận cao.
Ông Phan Văn Quy, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Giồng Riềng, Chủ nhiệm dự án nuôi cá trên ruộng lúa năm 2023 cho biết: "Năm nay huyện triển khai hỗ trợ nuôi cá trên ruộng lúa với tổng diện tích 500ha, với nguồn kinh phí thực hiện là 3,84 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước là 1 tỷ đồng, còn lại nông dân tham gia đối ứng. Dự kiến sẽ thu hoạch hơn 750 tấn cá thương phẩm, cho doanh thu hơn 10,3 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 6,7 tỷ đồng".
Theo đó, nông dân tham gia sẽ được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nhằm đảm bảo đầu tư nuôi thủy sản đạt hiệu quả, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hộ dân nuôi cá phải có diện tích tối thiểu là 0,5ha và tối đa không quá 3ha (trong định mức hỗ trợ). Ngoài được tập huấn kỹ thuật, nông dân còn được hỗ trợ 1,6 triệu đồng/ha tiền mua cá giống (tương đương 50%).
Đặc sản cá đồng nuôi trên ruộng lúa
Cá đồng nuôi trên ruộng lúa đã dần trở thành đặc sản của huyện Giồng Riềng, nhờ vào phương pháp nuôi thuần túy tự nhiên nên chất lượng thịt thơm, ngon. Ngoài phục vụ chế biến các món ăn tươi như cá kho, nấu canh chua, nướng trui, nông dân còn chế biến thành cá khô, cá mắm và trở thành sản phẩm OCOP của huyện.
Cá đồng nuôi trên ruộng lúa đã dần trở thành đặc sản của huyện Giồng Riềng, nhờ vào phương pháp nuôi thuần túy tự nhiên nên dễ tiêu thụ, mang lại nguồn thu nhập trong những tháng nông nhàn. Ảnh: Trung Chánh.
Theo các hộ nông dân tham gia nuôi cá trên ruộng lúa, tùy vào điều kiện địa hình mà sẽ chọn đối tượng cá nước ngọt nuôi cho phù hợp, giúp cá phát triển tốt và tránh bị thất thoát. Đối với những vùng đất ruộng trũng thấp, có độ ngập sâu từ 0,8m trở lên phù hợp nuôi cá chép, cá mè hoa. Những vùng có mực nước trên ruộng ngập sâu dưới 0,5m thì chọn nuôi các loại cá như cá rô, rô phi, cá trê vàng, cá lóc, cá sặc rằn. Đặc biệt, riêng đối với cá trê vàng thì cần phải có bờ bao xung quanh cao hơn đỉnh lũ hằng năm từ 0,5m trở lên để tránh cá leo thoát ra ngoài.
Nếu nuôi cá trên ruộng lúa đúng quy trình kỹ thuật, chăm sóc tốt, cá nuôi không bị thất thoát, mỗi héc-ta trung bình sẽ cho thu hoạch khoảng khoảng 1.500kg cá thương phẩm. Đây là hướng phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, nông dân hoàn toàn không sử dụng thuốc, kháng sinh trong quá trình nuôi, tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Giá cá thương phẩm thường đạt khá cao, cá trê vàng trung bình lên đến 70.000 đồng/kg. Tiếp đó là cá rô, sặc rằn khoảng 60.000 đồng/kg, còn lại các loại cá mè hoa, cá chép, rô phi có giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg.
Mô hình nuôi cá trên ruộng lúa mùa nước nổi mang lại lợi ích cả về kinh tế lẫn môi trường, tạo việc làm cho lao động nông thôn, tạo ra nguồn thu nhập trong những tháng nông nhàn. Nuôi cá ruộng giúp giảm rủi ro do dịch bệnh, giảm tác động đến môi trường so với hoạt động nuôi công nghiệp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước. Quá trình nuôi cá trên ruộng lúa không tốn nhiều chi phí đầu tư do tận dụng nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên, đồng thời làm tăng độ phì nhiêu cho nền đất lúa, giảm chi phí phân bón cho vụ lúa đông xuân sau đó.
Huyện Giồng Riềng có diện tích thả nuôi thủy sản hàng năm khoảng 13.000ha, sản lượng thu hoạch ước đạt trên 69.000 tấn. Trong đó, nghề nuôi cá trên ruộng lúa ngày càng trở nên phổ biến, được nhiều hộ nông dân đầu tư. Lợi nhuận từ nuôi thủy sản cùng với thu nhập trồng lúa đã giúp đời sống nông dân từng bước được nâng lên.
Đ.T.Chánh
Báo Nông Nghiệp Việt Nam