CÔNG TY TNHH THIẾT BỊ SONG LONG

CÔNG TY TNHH THIẾT BỊ SONG LONG
+
0
Giỏ hàng
Đang tải...
Tổng giá: VNĐ

Email : sales@songlongvn.com

Tell : (+ 84 ) 90 82 85 230

Giờ làm việc : Từ T2 - T6: 8h --> 17h 45

FacebookYoutubePrint
Giỏ hàng0
Sản phẩm nổi bật
Tin tức nổi bật
Cận cảnh ngành thủy sản nhiều tỷ đô ở vùng mỏ Câu chuyện con giống và cái 'bắt tay' 5 nhà
Ngày đăng: 12/07/2023

QUẢNG NINH Quảng Ninh là địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất cả nước nhưng việc sản xuất con giống vẫn còn yếu và thiếu sự liên kết trong sản xuất.

 

Nhân viên công ty Việt Úc Quảng Ninh đóng gói tôm giống. Ảnh: Nguyễn Thành.

Nhân viên công ty Việt Úc Quảng Ninh đóng gói tôm giống. Ảnh: Nguyễn Thành.

 

Phụ thuộc vào con giống nhập

Ngành thủy sản có vị trí chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Ninh. Với diện tích nuôi trồng thủy sản lên đến gần 40.000ha cho thấy nhu cầu về con giống cho phát triển ngành này của Quảng Ninh là rất lớn, nhưng khả năng cung ứng giống tại chỗ còn nhiều hạn chế.

 

Hiện Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh đã kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản cho 16 cơ sở. Trong đó, có 5 cơ sở chuyên sản xuất, ương dưỡng giống tôm thẻ chân trắng và tôm sú có thể nâng quy mô đến 7-8 tỷ post/năm.

 

Hầu hết các trại giống đều có hệ thống bể lắng lọc, hệ thống xử lý nước thải, bể chứa, bể nuôi cá bố mẹ, bể ương... được thiết kế, bố trí vận hành, sử dụng hợp lý và đảm bảo đủ điều kiện chất lượng con giống.

 

Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, lượng con giống thủy sản mà các trại giống này cung cấp mới chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu sử dụng trong toàn tỉnh (tôm giống đáp ứng khoảng 50% và nhuyễn thể chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu).

 

Thực trạng này buộc nhiều doanh nghiệp, hộ nuôi phải nhập con giống từ Trung Quốc hay những tỉnh, thành lân cận trong khu vực phía Bắc và cả trong khu vực Ninh Thuận, Khánh Hòa… để sản xuất. Điều này không chỉ gây ra nhiều bất cập trong công tác quản lý chất lượng, kiểm dịch con giống mà còn tạo nguy cơ khiến cho nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh phát triển kém bền vững.

 

Đối với nuôi nhuyễn thể, do phong trào phát triển mạnh nhưng lượng con giống sản xuất tại chỗ không đủ đáp ứng nên một số cơ sở đã lấy giống bố mẹ từ vụ nuôi nhiều năm trước để đến năm sau cho sinh sản dẫn đến hiện tượng cận huyết, thoái hoá giống. Đơn cử như con hàu trước đây nuôi 8 tháng đã cho thu hoạch nhưng hiện tại nhiều hộ nuôi đến 12 tháng mà hàu vẫn gầy, chậm lớn.

 

Ngoài ra, việc nhập giống từ Trung Quốc, miền Nam hay một số tỉnh phía Bắc như Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng… về ương nuôi, do quá trình vận chuyển kéo dài, môi trường thay đổi đột ngột làm cho chất lượng con giống thả nuôi đạt tỷ lệ thấp, vấn đề kiểm dịch khó thực hiện.

 

Ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Tân An cho biết, con giống là yếu tố quan trọng số 1 trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nếu không kiểm soát con giống sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của vật nuôi như tôm, cá, nhuyễn thể… Hiện nay, việc nhập giống từ nơi khác khiến cho các doanh nghiệp, HTX, hộ nuôi không chủ động được trong quá trình sản xuất, việc thả nuôi không đồng bộ, không kiểm soát được chất lượng con giống.

 

“Chính vì vậy, chúng tôi đã xây dựng trại giống hàu tại cơ sở của mình, công suất đạt khoảng 3-5 triệu con giống/năm. Từ đó, công ty có thế kiểm soát được chất lượng đầu vào để dễ dàng quản lý, kiểm tra, giám sát trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, với số lượng giống sản xuất còn khiêm tốn nên cũng chỉ đủ cung cấp con giống cho công ty chứ không bán được ra bên ngoài”, ông Dũng cho biết.  

 

Từ thực tế trên, có thể nói, việc chủ động được số lượng con giống, chất lượng con giống sạch bệnh góp phần không nhỏ quyết định tỷ lệ thành công trong nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, việc sản xuất nguồn giống tại chỗ vẫn chưa xứng với tiềm năng hiện có, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của nghề nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn tỉnh.

 

Nguồn giống nhuyễn thể chủ yếu được các hộ nuôi nhập từ các tỉnh thành như Ninh Bình, Nam Định... Ảnh: Văn Nguyễn.

Nguồn giống nhuyễn thể chủ yếu được các hộ nuôi nhập từ các tỉnh thành như Ninh Bình, Nam Định... Ảnh: Văn Nguyễn.

 

Theo ông Đỗ Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, trước mắt, cần sớm sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở sản xuất giống nhỏ lẻ, phân tán, manh mún, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng hình thành các trung tâm ứng dụng công nghệ cao sản xuất giống thuỷ sản; đồng thời tổ chức tốt việc quy hoạch, hình thành các vùng hạ tầng sản xuất giống tập trung.

 

Song song với đó, tỉnh cũng cần tập trung triển khai và đẩy nhanh việc ưu tiên nguồn vốn, hỗ trợ hạ tầng, nâng cấp trang thiết bị cũng như đầu tư xây dựng cho các dự án về sản xuất giống thuỷ sản trong toàn tỉnh.

 

Việc hình thành các vùng sản xuất giống này không chỉ đáp ứng được nhu cầu nuôi trồng thủy sản, mà còn gắn với quy hoạch các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo các đối tượng nuôi chủ lực của tỉnh…

 

Nghề nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh đang phát triển mạnh, nên nhu cầu về con giống rất lớn. Bởi vậy, việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, sớm đưa Trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể tập trung Vân Đồn với công suất 1,5 tỷ giống/năm vào hoạt động là rất cần thiết để chủ động cung cấp giống cho người nuôi, góp phần phát triển ngành thủy sản của huyện, nâng cao đời sống cho người dân.

 

Cái “bắt tay” của 5 nhà

Hiện nay, đối với ngành tôm Việt Nam, việc liên kết và quan hệ hợp tác giữa các tổ chức, cá nhân trong chuỗi giá trị tôm còn rời rạc, lỏng lẻo và không hiệu quả, đặc biệt là ở các mô hình nuôi tôm quy mô nhỏ. Điều đó dẫn đến giá thành sản xuất cao, giảm chất lượng sản phẩm và khó truy xuất nguồn gốc. Vì vậy làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế.

 

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, chia sẻ: "Nói về ngành nuôi tôm hiện nay ở Việt Nam, chúng ta có dư địa nuôi tôm rất tốt. Hiện nay quy mô nuôi tôm công nghiệp trên diện tích lớn được chúng ta nuôi rất thành công. Nhiều doanh nghiệp lớn đã có các chuỗi giá trị sản phẩm, nổi bật là tôm của Việt Nam đã xuất khẩu đến rất nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều hộ nuôi tôm quy mô nhỏ, nếu như chúng ta nuôi quy mô nhỏ lẻ mà vẫn áp dụng quy trình lạc hậu như cũ thì rất khó cạnh tranh trên thị trường hiện nay".

 

Thả giống tôm thẻ chân trắng theo mô hình liên kết sản xuất tại TP Cẩm Phả (Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Thành.

Thả giống tôm thẻ chân trắng theo mô hình liên kết sản xuất tại TP Cẩm Phả (Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Thành.

 

Do đó, cần có giải pháp để khắc phục những hạn chế còn tồn tại để phát triển ngành tôm một cách bền vững. Cụ thể, sáng 27/6, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh tổ chức buổi lễ thả giống theo chương trình xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp quy mô nhỏ liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị. Theo đó, đã có hơn 60 vạn con giống tôm thẻ chân trắng được thả tại ao nuôi trên địa bàn xã Cộng Hòa, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

 

Theo tiến trình đề án, dự kiến sẽ thả giống trong 3 đợt. Đợt 1 ngày 27/6/2023 cho 2 hộ, quy mô 1 ha, với hơn 60 vạn giống, đợt 2 dự kiến ngày 12/7/2023 quy mô 2 ha với 160 vạn, đợt 3 quy mô 2 ha với 160 vạn.

 

Theo ông Lê Quốc Thanh, việc phối hợp xây dựng các mô hình liên kết các hộ nuôi tôm thẻ chân trắng quy mô nhỏ để tạo thành các HTX sẽ tiến đến thống nhất phương pháp, quy trình nuôi tôm có hiệu quả, kiểm soát tốt dịch bệnh, đặc biệt là môi trường nước trong nuôi tôm mà trước đây không kiểm soát được.

 

"Nếu nuôi quy mô nhỏ mà không liên kết với nhau thì mỗi gia đình sử dụng các loại giống, các loại thức ăn và xử lý môi trường theo nhiều cách khác nhau sẽ dẫn đến lan truyền dịch bệnh trên tôm nuôi. Vì vậy, với định hướng liên kết các hộ nuôi quy mô nhỏ trở thành các HTX với quy mô lớn, tạo thành chuỗi giá trị thì mới giải quyết được vấn đề nuôi tôm với quy mô nhỏ. Chúng ta liên kết lại, cùng nhau áp dụng một loại giống, cùng nhau áp dụng một quy trình, cùng nhau xử lý môi trường thì sẽ giải quyết được những hạn chế còn tồn tại", ông Thanh nhấn mạnh.

 

Được biết, mô hình có sự liên kết của 5 nhà gồm nhà quản lý, nhà khoa học, người nuôi, nhà cung ứng giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và cơ sở thu gom, tiêu thụ sản phẩm.

 

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt Úc Quảng Ninh, chia sẻ: "Chương trình liên kết này giúp cho các hộ nuôi gắn bó với nhau theo chuỗi giá trị từ con giống đến quá trình nuôi, chế biến, xuất khẩu.

 

Tuy nhiên, để xây dựng được mô hình liên kết này thì còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt là vai trò của từng khâu trong chuỗi liên kết đấy, khi thuận lợi trong nuôi tôm thì mọi chuyện rất dễ dàng nhưng khi gặp khó khăn thì câu chuyện lại khác đi. Cần có cách thức xây dựng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cũng như vai trò, giá trị đóng góp của từng phân khúc trong chuỗi giá trị ấy".

 

Các mô hình nuôi tôm thẻ công nghiệp quy mô nhỏ liên kết theo chuỗi giá trị sẽ giúp ngành tôm Quảng Ninh phát triển bền vững. Ảnh: Văn Nguyễn.

Các mô hình nuôi tôm thẻ công nghiệp quy mô nhỏ liên kết theo chuỗi giá trị sẽ giúp ngành tôm Quảng Ninh phát triển bền vững. Ảnh: Văn Nguyễn.

 

Hiện nay, Tập đoàn Việt Úc đã và đang xây dựng các chuỗi liên kết, tìm kiếm các cơ hội, đối tác để giúp cho sự phát triển của cả ngành tôm. Với vai trò là đơn vị cung cấp con giống, là mắt xích đầu tiên của chuỗi giá trị thì Công ty Việt Úc Quảng Ninh sẽ tiếp tục cung cấp con giống đảm bảo sạch bệnh.

 

"Đây là chương trình liên kết đầu tiên tại Quảng Ninh mà Việt Úc tham gia, chúng tôi cũng sẽ nỗ lực hết mình. Thứ nhất là về con giống, thứ hai là công tác hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ xét nghiệm, hỗ trợ kiểm tra nước, chia sẻ quy trình nuôi giữa người đã nuôi thành công với những người nuôi khác để rút ra kinh nghiệm. Cùng với đó, bố trí cán bộ đồng hành cùng người dân trong suốt quá trình để mô hình này thành công rực rỡ", ông Thắng cho biết.  

 

Người dân tham gia vào mô hình bày tỏ sự vui mừng khi bài toán khó khăn trước đây đã được giải đáp. Anh Hà Văn Hào (xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả) chia sẻ: "Gia đình tôi đã nuôi tôm quảng canh từ rất lâu rồi nhưng không hiệu quả. Tôm hay bị chết do dịch bệnh. Do thời gian trước chỉ thả quảng canh, không có thuốc cũng như kỹ thuật nuôi. Bây giờ có mô hình liên kết này là rất tốt, tôi được hỗ trợ con giống, thuốc, hỗ trợ xét nghiệm nước… Tôi mong muốn là tôm nuôi sẽ có đầu ra ổn định trong tương lai".

 

Được biết, đây là mô hình liên kết nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp quy mô nhỏ đầu tiên tại Quảng Ninh. Các thành viên tham gia mô hình đã được tập huấn kiến thức, được hỗ trợ kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi, giảm chi phí mua giống, thức ăn, nhằm giảm giá thành sản xuất tôm nguyên liệu.

 

Đồng thời, đảm bảo ổn định đầu ra, giúp con tôm trở thành một sản phẩm thương mại có chỗ đứng vững trên thị trường và tăng lợi nhuận cho người nuôi. Mô hình lấy người nuôi làm trung tâm, các đơn vị sẽ đồng hành cùng bà con nuôi tôm, để từ thành công của mô hình này sẽ nhân rộng ra cả nước. 

 

Hiện nay, tại Quảng Ninh, tổng diện tích sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt trên 50% diện tích quy hoạch. Các vùng nuôi tôm tập trung từ Tiên Yên đến Móng Cái với  4.500 ha chiếm 56% tổng diện tích nuôi tôm. Quảng Ninh tiến tới đầu tư xây dựng Tiên Yên - Đầm Hà thành trung tâm tôm công nghiệp công nghệ cao của các tỉnh miền Bắc với quy mô đạt 2.000 ha.

 

Văn Nguyễn - Nguyễn Thành

Tin liên quan
Bảo vệ thủy sản nuôi trước mùa mưa lũ

Bảo vệ thủy sản nuôi trước mùa mưa lũ

10-07-2023 11:28:29

Để hạn chế thiệt hại của mưa lũ với thủy sản nuôi, bà con nên áp dụng các biện pháp khuyến cáo của Trung tâm Quan...

Thương hiệu cam Vinh ngày một lụi tàn

Thương hiệu cam Vinh ngày một lụi tàn

07-07-2023 10:00:14

Cam Vinh (Nghệ An) đã mất dần vị thế, hiện đang trên đà tuột dốc không phanh, lụi tàn. Đại biểu HĐND tỉnh này trăn...

Nuôi tôm công nghệ Semi biofloc không lo nắng nóng, giảm chi phí

Nuôi tôm công nghệ Semi biofloc không lo nắng nóng, giảm chi phí

05-07-2023 11:08:06

KHÁNH HÒA Trong khi các vùng nuôi tôm ao đất phải 'treo ao' vì nắng nóng và chi phí tăng cao thì nuôi tôm công nghệ Semi biofloc...

Cận cảnh ngành thủy sản nhiều tỷ đô ở vùng mỏ Vùng đất đắc địa để phát triển ngành tôm

Cận cảnh ngành thủy sản nhiều tỷ đô ở vùng mỏ Vùng đất đắc địa để phát triển ngành tôm

05-07-2023 10:33:37

Quảng Ninh hiện có gần 7.000ha tôm nuôi, trong đó khoảng 4.000ha nuôi tôm công nghiệp và trở thành địa phương có diện tích...

Chat hỗ trợ
Chat ngay