AN GIANG Chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp ở An Giang bình quân mỗi năm 'ra lò' 12 tỷ cá tra bột và 1,2 tỷ cá tra giống có truy xuất nguồn gốc.
Sản xuất giống cá tra ở An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
An Giang là cái nôi sản xuất, chế biến cá tra xuất khẩu lớn nhất nhì ở khu vực ĐBSCL. Địa phương này được Bộ NN-PTNT định hướng xây dựng trở thành trung tâm giống cá tra công nghệ cao cung cấp con giống chất lượng cao theo hướng liên kết 3 cấp. Từ đó, từng bước đáp ứng đủ nhu cầu con giống, góp phần tái tạo ngành hàng theo hướng bền vững, hướng đến quản lý chặt chẽ thông qua các mối liên kết.
Đến nay, An Giang đã xây dựng và triển khai rất thành công các chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp phục vụ con giống chất lượng cao tại khu vực ĐBSCL, giúp người nuôi tiếp cận được nguồn giống tốt. Các chuỗi này bình quân mỗi năm sản xuất trên 12 tỷ cá tra bột và 1,2 tỷ cá tra giống có truy xuất nguồn gốc. Chất lượng cá tra bột được đánh giá tốt hơn cá tra bột sản xuất ngoài chuỗi liên kết do các ưu điểm như hoạt động nhanh nhẹn, kích thước lớn hơn, tỷ lệ sống cá ương 15 ngày tuổi cao hơn.
Chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp ở An Giang, bình quân mỗi năm sản xuất 12 tỷ cá tra bột và 1,2 tỷ cá tra giống có truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết, từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh có 9 cơ sở sản xuất giống cá tra, trên 41.220 con cá bố mẹ, trong đó có 12.320 con cá tra bố mẹ hậu bị và sinh sản có chất lượng tốt từ Viện Nghiên cứu nuôi trồng Thủy sản II (Viện II) để bổ sung, thay thế cho đàn cá tra bố mẹ của các cơ sở sản xuất giống.
Trên địa bàn An Giang hiện có 4 doanh nghiệp đầu tư các vùng ương nuôi cá tra tập trung theo hướng công nghệ cao, tham gia Đề án cá tra 3 cấp, gồm: Tập đoàn Việt Úc nuôi 104ha, Công ty Cổ phần Nam Việt Bình Phú 600ha (150ha ương giống, 450ha nuôi thương phẩm), Công ty Cổ phần Phát triển thủy sản Lộc Kim Chi 140ha và Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn 48,3ha. Các dự án này đang triển khai sản xuất, góp phần nâng chất lượng con giống cá tra trong thời gian tới.
Theo Sở NN-PTNT An Giang, toàn tỉnh hiện có 910ha diện tích mặt nước nuôi cá tra giống, dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ tăng thêm 70ha, nâng lên gần 1.000ha nuôi cá tra giống. Trong năm 2023, Tập đoàn Việt Úc có kế hoạch sản xuất khoảng 100 triệu con giống, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn sản xuất 30 triệu con, Nam Việt và Nam Việt Bình Phú sản xuất 100 triệu con giống.
An Giang là cái nôi sản xuất, chế biến cá tra xuất khẩu lớn nhất nhì ở khu vực ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Ông Doãn Tới, Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt cho biết, dự án nuôi cá tra công nghệ cao của Tập đoàn có quy mô 600ha, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. Dự án được chia thành 2 khu, gồm: Khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao có diện tích nuôi 150ha, vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng. Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi cá tra thương phẩm, có diện tích 450ha, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng.
Trong đó, ở khu sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, mỗi năm sẽ sản xuất khoảng 360 triệu con giống cá tra chất lượng cao phục vụ cho các vùng nuôi của Công ty. Số còn dư sẽ cung cấp cho người nuôi ĐBSCL với những con giống cá tra khỏe, sạch bệnh, góp phần giúp người dân nuôi cá đạt hiệu quả kinh tế cao. Đối với khu nuôi cá tra thương phẩm, mỗi năm sản xuất khoảng 200.000 tấn cá tra nguyên liệu chất lượng cao, phục vụ chế biến xuất khẩu.
Nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư nuôi cá tra giống chất lượng cao tại An Giang. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Theo ông Doãn Tới, ngoài chuyện sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao, Tập đoàn Nam Việt còn đầu tư vùng nuôi cá tra thương phẩm được trang thiết bị với công nghệ hiện đại, đồng bộ và chuyên sâu mang tầm cỡ khu vực. Một trong những mục tiêu mà dự án hướng đến là hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín, bền vững của doanh nghiệp.
Lê Hoàng Vũ
Báo Nông Nghiệp Việt Nam