Nhiều hộ nông dân ở xã Vũ Minh (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị cao, trong đó, mô hình chuyển đổi đất đồi, đất dốc sang trồng thanh long trên trụ đá có những tín hiệu khởi sắc, giúp người dân nâng cao thu nhập...
Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao thu nhập cho người dân, từ năm 2011, UBND xã Vũ Minh vận động người dân đưa cây thanh long vào trồng tại vườn đồi và chân ruộng cao.
Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Minh Lương Thị Ngư cho biết: Thời gian qua, UBND xã chủ động tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi diện đích đất vườn, đất đồi kém hiệu quả kinh tế sang trồng cây thanh long.
Bên cạnh đó, xã chủ động phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật các mô hình trồng cây ăn quả và trồng cây thanh long cho người dân.
Những ngày cuối tháng 8/2023, chúng tôi đến thăm mô hình thanh long của gia đình anh Bàn Phụ Pu, xóm Lũng Chang trong lúc gia đình anh đang tất bật thu hoạch quả. Anh Pu cho biết: Trước đây, trên diện tích đất này, gia đình tôi trồng cây nông nghiệp ngắn ngày nhưng hiệu quả kinh tế không cao.
Năm 2017, qua tìm hiểu mô hình trồng thanh long trụ đá ở trên mạng, tôi đưa vào trồng thử nghiệm trên các mỏm đá thuộc diện tích đất của gia đình.
"Sau khi trồng thử nghiệm, thấy hiệu quả, năm 2018, tôi vay vốn Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện 50 triệu đồng đầu tư mô hình trồng cây thanh long trụ đá" - anh Pu nói.
Mô hình trồng cây thanh long trên trụ đá của gia đình anh Bàn Phụ Pu, xóm Lũng Chang, xã Vũ Minh (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng).
Theo anh Pu, cây thanh long trụ đá sẽ cho ra trái có vị ngọt, sai quả và mẫu mã đẹp hơn so với thanh long trụ bê tông. Sau một năm trồng, cây thanh long cho thu hoạch quả; từ năm thứ ba cây sẽ cho quả ổn định về năng suất, sản lượng tăng dần theo từng năm, tuổi thọ của cây từ 20 - 25 năm tùy theo việc đầu tư chăm sóc.
Nhờ chịu khó học hỏi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, hiện gia đình có hơn 700 trụ thanh long phát triển tốt, từ năm 2020 đến nay, bình quân mỗi năm, gia đình thu hoạch trên 10 tấn quả, thu nhập gần 150 triệu đồng.
Cây thanh long sống được ở các loại chất đất, chịu được mưa, nắng nóng, rét kéo dài. Bắt đầu từ năm thứ ba trở đi khi gốc thanh long phát triển tốt sẽ cho thu hoạch từ 20 - 30 kg quả/trụ. Đặc thù của cây thanh long là rất dễ trồng, dễ chăm sóc, không phải phun thuốc trừ sâu, đặc biệt là không bao giờ bị mất mùa. Thanh long ra quả 4 - 6 đợt/1 năm, nếu mất đợt này thì cây lại cho ra quả tiếp đợt sau, quả sẽ ra liên tục từ tháng 5 đến tháng 11.
Hiện nay, xã Vũ Minh trồng trên 30,44 ha, trong đó trên 25,7 ha cây thanh long đang cho thu hoạch quả; với giá bán tại vườn hiện tại từ 15 - 20 nghìn đồng/kg, cây thanh long có giá trị kinh tế hơn những cây trồng nông nghiệp truyền thống.
Giống như anh Pu, anh Lý Kiềm Sơn, dân tộc Dao, xóm Lũng Chang cũng là một trong những hộ dân tiên phong trong phát triển mô hình trồng cây thanh long tại xóm Lũng Chang. Anh Sơn chia sẻ: Tận dụng 70% đất đồi, rẫy kém hiệu quả của gia đình, năm 2011, tôi quyết định trồng thử nghiệm 300 trụ cây thanh long.
Sau 2 năm trồng và chăm sóc, cây phát triển tốt, năm thứ 3 ra sai quả, mỗi năm thu 5 đợt quả. Nhận thấy cây thanh long phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, tôi mở rộng trồng thay thế diện tích ngô kém hiệu quả sang trồng cây thanh long.
Đến nay, gia đình có hơn 1.500 trụ cả cây ruột đỏ và ruột trắng, hiện các gốc cây đang phát triển tốt, đã bắt đầu cho ra quả và thu hoạch được một năm. Ước tính mỗi năm, vườn thanh long đạt trên 20 tấn quả, bán với giá từ 10 - 30 nghìn đồng/kg. 3 năm trở lại đây, mô hình giúp gia đình thu nhập trên 170 triệu đồng/năm.
Mô hình trồng cây thanh long đang dần thay thế diện tích đất đồi và những cây trồng kém hiệu quả kinh tế ở xã Vũ Minh, mở ra hướng đi cho người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Để phát triển mô hình theo hướng bền vững, thời gian tới, các cấp chính quyền cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng những mô hình điểm trồng cây thanh long trên trụ đá để người dân học tập kinh nghiệm và thấy được hiệu quả khi trồng cây thanh long.
Xã Vũ Minh cũng tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến khích người dân sản xuất theo hướng VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; chú trọng tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, bảo đảm tính bền vững cho loại cây trồng này.
Thủy Tiên (Báo Cao Bằng)