SÓC TRĂNG Tại Sóc Trăng, ước mặn xâm nhập vào các cửa sông, theo kinh, rạch dấn sâu vào nội đồng. Một số địa phương khẩn cấp đóng cống ngăn mặn, bảo vệ cây trồng.
Đóng cống, trữ ngọt
Những ngày qua tại Sóc Trăng, gay gắt nhất là các khu vực dọc theo vùng ven biển Vĩnh Châu và các cửa sông Hậu, sông Mỹ Thanh, độ mặn tăng cao. Gió đông mạnh kết hợp cùng triều cường rằm tháng Giêng khiến nước mặn vào các cửa sông, xâm nhập sâu vào vùng thủy nội địa.
Tỉnh Sóc Trăng triển khai thi công nhiều công trình thủy lợi, nạo vét kênh. Ảnh: TX.
Ông Phạm Tấn Đạo, Chi cục Trưởng Chi cục Thuỷ lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sóc Trăng cho biết: Từ trước Tết Nguyên Đán đến nay bắt đầu cao điểm mùa khô, mặn có xu hướng tăng nhanh. Do đó, các địa phương có hệ thống kinh, rạch tiếp giáp vùng cửa sông, ven sông lớn và điểm cống đập xung yếu đều đã đóng kín.
Hiện nay mặn xâm nhập theo hướng sông Hậu vượt qua Đại Ngãi vào tới Thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) với độ mặn lên 4 - 5‰. Ông Vũ Bá Quan, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Kế Sách thông tin: Nước mặn đã tới xã An Lạc Tây. Tại Vàm Rạch Vọp, độ mặn đô được từ 3 - 3,2‰ và có khả năng tăng lên 4‰. Hiện thời khu vực địa phương thuộc 5 xã có vườn cây ăn trái vẫn an toàn. Nhưng nếu độ mặn tăng cao, cây trồng vùng ngọt sẽ bị ảnh hưởng. Vì vậy, cán bộ nông nghiệp địa phương thông tin cập nhật độ mặn và khuyến cáo nông dân đóng cống, trữ ngọt tưới cho vườn cây.
Tỉnh Sóc Trăng được xem là địa bàn xung yếu, nơi “đầu sóng” tiếp giáp bờ biển dài 70 km. Theo kinh nghiệm qua mùa khô khốc liệt các năm 2015 - 2016 và 2019 - 2020 mặn tăng cao đỉnh điểm đã gây nhiều thiệt hại đến hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tỉnh đã thực hiện chuyển cơ cấu sản xuất, chuyển đổi lịch thời vụ cây trồng. Đặc biệt chú trọng các giải pháp thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt bảo vệ cây trồng mùa khô.
Nhanh tay thu hoạch lúa đông xuân
Theo Chi cục Thuỷ lợi Sóc Trăng, nhờ chuyển đổi lịch gieo trồng sớm nên đến nay phần lớn diện tích trong số hơn 40.000 ha lúa đông xuân 2021 - 2022 quanh khu vực hệ thống thủy lợi Long Phú - Tiếp Nhựt đã thu hoạch xong, an toàn. Hiện lượng nước ngọt trữ trong hệ thống kinh, rạch còn đảm bảo cho ghe chở lúa, chở máy gặt đập lưu thông khả năng tưới tiêu hơn nửa tháng tới.
Nông dân các tỉnh ĐBSCL nói chung, Sóc Trăng nói riêng đang tích cực, chủ động trữ ngọt nhằm ứng phó với nguy cơ hạn, mặn thời gian tới. Ảnh: NNVN.
Hiện nay, hệ thống thủy lợi tỉnh Sóc Trăng được phân thành 7 vùng dự án gồm: Vùng dự án Kế Sách, vùng Cù lao Sông Hậu, vùng dự án Long Phú - Tiếp Nhựt, vùng dự án Ba Rinh - Tà Liêm, vùng dự án Quản lộ Phụng Hiệp và vùng dự án Thạnh Mỹ.
Trong năm qua, nhiều công trình phòng chống hạn mặn của tỉnh như vùng dự án Long Phú Tiếp Nhựt, vùng dự án Ba Rinh - Tà Liêm đã kịp thời thi công hoàn chỉnh và đưa vào vận hành, đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Riêng trạm bơm nước ngọt cống Bà Xẩm đang thi công, khoảng một tháng nữa sẽ hoàn thành, đảm bảo thêm nguồn cung nước ngọt đáp ứng nhu cầu sản xuất trong mùa khô. Trong khi đó, hệ thống cống 10 cống do Bộ NN-PTNT đầu tư và đang thi công, dự kiến đến năm 2025 hoàn thành sẽ bảo vệ khu vực vườn cây ăn trái 40.000 ha tại huyện Kế Sách.
Vừa qua, tỉnh Sóc Trăng đã đề xuất thêm dự án Âu thuyền Đại Ngại, nếu được thi công sẽ đảm bảo 80% nước ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Còn lại 20% thuộc một số khu vực như An Thanh Nam thuộc huyện Cù Lao Dung và vùng ven biển Vĩnh Châu đang thực hiện chuyển đổi sang vùng nuôi thủy sản.
Từ đầu tháng 2/2022, theo dự báo của Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, mặn có thể xâm nhập 50 - 65 km vào nội đồng và có thể ảnh hưởng đến sản xuất cả mặn và ngọt. Do đó, đơn vị quản lý vận hành các cống tại ĐBSCL cần thường xuyên theo dõi diễn biến độ mặn tại các trạm trong khu vực để có phương án vận hành công trình phù hợp.
HỮU ĐỨC
Nông Nghiệp Việt Nam