Các mô hình đã đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy phát triển nghề nuôi thủy sản một cách bền vững cho người dân ven biển.
Tỉnh Nam Định đang xây dựng và nhân rộng một số mô hình ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản ven biển. Ảnh: PH.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định đã đưa ra các giải pháp hành động hợp lý nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả, ngăn ngừa, hạn chế sự suy thoái môi trường do hoạt động của con người, tác động của tự nhiên gây ra, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học vùng ven biển.
Đặc biệt, một số mô hình ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản ven biển được xây dựng và nhân rộng như: “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng chất lượng cao áp dụng công nghệ 4.0” tại xã Hải Đông (Hải Hậu). “Ứng dụng công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi hàu đơn Thái Bình Dương tại tỉnh Nam Định” tại xã Bạch Long (Giao Thủy). “Áp dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, nuôi trồng giống sò huyết” tại xã Giao Phong (Giao Thủy)…
Các mô hình đã góp phần đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật về con giống mới có giá trị kinh tế cao, phương thức nuôi hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất và thúc đẩy phát triển nghề nuôi thủy sản một cách bền vững cho người dân ven biển.
Từ việc nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế biển, tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các sở, ngành và các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến khích, vận động người dân, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật các vùng nuôi đáp ứng yêu cầu ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến. Nhờ đó, đã phát triển đồng bộ nghề thủy sản từ hạ tầng sản xuất đến công nghệ kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường.
Phạm Hiếu
Nông Nghiệp Việt Nam