Việc sản xuất theo quy trình sạch có nguồn gốc, có sao OCOP đã giúp các sản phẩm thủy sản của nhiều hộ dân ở Tuyên Quang luôn đắt như tôm tươi.
Trong giai đoạn Covid-19 bùng phát, tiêu thụ khó khăn nhưng các sản phẩm thủy sản của Công ty TNHH Nhật Nam vẫn được tiêu thụ ổn định. Ảnh: Đào Thanh.
Theo Sở NN-PTNT Tuyên Quang, hiện toàn tỉnh có 13 sản phẩm cá đặc sản của tỉnh đạt sao OCOP, trong đó có 3 sản phẩm đạt 4 sao và 10 sản phẩm đạt 3 sao. Tuyên Quang xác định, sản xuất sạch, liên kết tốt là mấu chốt quan trọng quyết định hướng đi phát triển của ngành thủy sản địa phương.
Hiện giá sản phẩm thủy sản ở Tuyên Quang, đặc biệt cá đặc sản đang tăng đột biến, điều này khiến người nuôi phấn khởi. Tuy nhiên, theo các hộ có hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi cá ở Tuyên Quang, tình hình thị trường như hiện nay chưa thể đoán trước. Bởi vậy, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và liên kết trong sản xuất vẫn là bài toán bền vững nhất.
Đến nay, huyện Na Hang có 4 sản phẩm thủy sản đạt sao OCOP, gồm 2 sản phẩm đạt 3 sao và 2 sản phẩm đạt 4 sao. Các sản phẩm này đều của Công ty TNHH Nhật Nam. Việc sản xuất theo quy trình sạch có nguồn gốc đã giúp các sản phẩm cá của Công ty TNHH Nhật Nam, một trong những đơn vị nuôi nhiều cá lồng nhất huyện Na Hang không bị rớt giá, đứt gẫy nguồn tiêu thụ khi thị trường gặp khó khăn.
Anh Vi Anh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Nhật Nam cho biết, thời điểm giá cá thương phẩm tại Tuyên Quang chỉ đạt 60.000 đồng/kg, sản phẩm của anh vẫn đạt giá bán lẻ là 130.000 đồng/kg.
Chăn nuôi cá đặc sản theo hướng sạch, có nguồn gốc truy xuất rõ ràng là mục tiêu mà ngành thủy sản của tỉnh Tuyên Quang hướng tới. Ảnh: Đào Thanh.
Anh Đức giải thích, bởi vì công ty của anh có đại lý bán lẻ tại Hà Nội, có nguồn khách hàng ổn định và tin tưởng về chất lượng cá do đơn vị mình cung cấp. Hiện nay, ngoài cá tươi sống, Công ty của anh Đức còn có 4 sản phẩm đạt sao OCOP, gồm cá lăng cắt khúc, cá lăng phi lê, cá lăng chiêm xù và chả cá lăng. Đấy là những sản phẩm chính của cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội.
3 năm trở lại đây, Công ty TNHH Thủy sản Nhật Nam thường xuyên duy trì 50 lồng nuôi cá đặc sản, trung bình mỗi tháng công ty bán ra thị trường từ 5 đến 7 tấn cá tươi sống. Từ khi giá cá tăng giá đến nay, công ty đã xuất bán được khoảng 100 tấn. Ngoài việc bán hàng tại các lồng cá của công ty, đơn vị cũng thực hiện liên kết với 5 hộ dân nuôi cá lồng đặc sản trên khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang tiêu thụ từ 8 đến 10 tấn cá/tháng.
Tuy nhiên, trong việc hợp tác liên kết với các hộ dân, Công ty yêu cầu các hộ liên kết phải cam kết sản xuất theo quy trình sạch, đảm bảo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo chăn nuôi không kháng sinh, không chất cấm mới giữ được chân của khách hàng, đồng thời làm tăng được uy tín, thương hiệu của sản phẩm cá đặc sản xứ Tuyên.
Tỉnh Tuyên Quang có 11.500ha mặt nước có khả năng phát triển nuôi trồng, khai thác thuỷ sản. Trong đó, có khoảng gần 2.000 lồng cá, sản lượng nuôi trồng, khai thác đạt 1.548 tấn. Tuyên Quang đang triển khai Đề án phát triển thủy sản giai đoạn 2019 - 2025 với mục tiêu đẩy mạnh tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân quy trình nuôi cá lồng theo hướng VietGAP.
Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở NN-PTNT Tuyên Quang cho biết, thúc đẩy ngành thủy sản của địa phương phát triển, tỉnh Tuyên Quang sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, gắn với truy xuất nguồn gốc để tiêu thụ và quảng bá sản phẩm cho người dân. Tỉnh cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và người nuôi hoặc hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác tạo điều kiện về nguồn lực đầu tư nhằm phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng tập trung, tăng giá trị sản phẩm, gắn với thị trường tiêu thụ.
Đào Thanh - Nguyễn Toán
Nông Nghiệp Việt Nam