Mắc ca là cây yêu cầu điều kiện sinh thái, cây giống khắt khe. Những hiểu biết không đầy đủ về đặc điểm sinh học, điều kiện sinh thái sẽ gây thiệt hại lâu dài.
Mắc ca thuộc chi Macadamia, họ Proteacaea, gồm nhiều loài có nguồn gốc từ Australia. Do giá trị kinh tế cao, là sản phẩm có giá cao trong các loại cây lấy hạt, mắc ca được trồng và phát triển nhanh ở nhiều quốc gia như Nam Phi, Hawaii (Mỹ), Trung Quốc, các nước vùng Nam Mỹ và Đông Nam Á.
Theo ước tính của Hiệp hội Mắc ca thế giới, sản lượng mắc ca năm 2020 đạt 240.000 tấn, dự báo sẽ tăng lên 480.000 tấn vào năm 2025 và đến năm 2030 có thể đạt 600.000 tấn.
Mắc ca được trồng ở những vùng có khí hậu, thổ nhưỡng thực sự phù hợp mới cho năng suất. Ảnh: Tuấn Anh.
Khí hậu - yếu tố không thể khắc phục khi trồng mắc ca
Tại Việt Nam, những cây mắc ca đầu tiên được trồng từ những năm 1990 và diện tích mắc ca không ngừng tăng cao. Đến nay, cây mắc ca đã được trồng ở nhiều tỉnh, thành trong nước gồm: Điện Biên, Lai Châu, Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lạng Sơn, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Định.
Theo báo cáo kết quả phát triển mắc ca tại Việt Nam (Bộ NN-PTNT năm 2020), tổng diện tích mắc ca ở nước ta hiện nay khoảng 16.550ha, ước có khoảng 14% diện tích được trồng từ cây giống có nguồn gốc không được kiểm soát. Khu vực Tây Bắc và Tây Nguyên hiện có khoảng 15.440ha mắc ca, các tỉnh khác khoảng hơn 1.100ha, tổng sản lượng ước đạt 6.750 tấn hạt tươi/năm. Giá bán hạt mắc ca tại vườn dao động trong khoảng 70.000 - 90.000 đồng/kg.
Mắc ca là cây trồng mới, đòi hỏi những điều kiện sinh thái tương đối khắt khe. Những hiểu biết không đầy đủ về đặc điểm sinh học cũng như điều kiện sinh thái của cây mắc ca có thể gây nhiều thiệt hại lâu dài về kinh tế và chi phí cơ hội. Lịch sử phát triển ngành nông nghiệp Việt Nam cũng từng phạm phải những sai lầm khi đưa cây cà phê vối ra các tỉnh phía Bắc hay du nhập và phát triển cây vải thiều vào các tỉnh phía Nam. Đối với cây lâu năm như cây mắc ca, tổn thất này rất lớn vì cần có thời gian khá dài để đánh giá đầy đủ.
Mắc ca chỉ phù hợp với những vùng sinh thái có độ cao 500m trở lên so với mực nước biển và có nền nhiệt độ phù hợp. Ảnh: Tuấn Anh.
Trước hết, mắc ca là cây trồng lâu năm, có thời gian kiến thiết cơ bản dài trên 3 năm mới bắt đầu cho quả và trên 5 năm mới đạt năng suất cao. Mặc dù là cây lâu năm nhưng bộ rễ phát triển tương đối nông nên khả năng chống chịu với gió, bão kém hơn nhiều so với các loại cây khác.
Trong hai yếu tố sinh thái chính là khí hậu và đất đai thì khí hậu là yếu tố mang tính chất quyết định cần đặc biệt quan tâm vì không thể làm thay đổi được, trong khi đất đai có thể được cải thiện bằng nhiều biện pháp.
Cây mắc ca là loại cây ăn quả á nhiệt đới chịu khí hậu mát, mưa ẩm, cây có thể sinh trưởng bình thường trong phạm vi nhiệt độ từ 12 - 32 độ C, nhiệt độ tối ưu là 20 - 25 độ C. Trong giai đoạn ra hoa, đậu quả, cây đòi hỏi nhiệt độ thấp từ 18 - 21 độ C, đây là yếu tố quyết định đến hiệu quả kinh doanh của cây mắc ca ở các địa phương và cũng là yếu tố không thể khắc phục được bằng các biện pháp kỹ thuật canh tác.
Hiện nay, các vùng trồng mắc ca có hiệu quả gồm có các địa phương như: Huyện Đơn Dương, Lâm Hà, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Lạc Dương của tỉnh Lâm Đồng; huyện Krông Năng, Ea H’Leo, Cư M’gar, M’Đrắk của Đắk Lắk; huyện Tuy Đức, Đắk Song, Đắk Glong thuộc tỉnh Đắk Nông; huyện Kbang, Chư Sê, Chư Păh, Chư Prông của tỉnh Gia Lai và huyện Đắk Glei, Kon Rẫy của tỉnh Kon Tum. Đây là những địa phương có độ cao trên 500m so với mặt nước biển và có nền nhiệt độ trong thời kỳ ra hoa, đậu quả đáp ứng yêu cầu sinh thái của cây mắc ca.
Mắc ca được ví là "nữ hoàng quả khô", tuy nhiên không phải vùng sinh thái nào cũng trồng được. Ảnh: Tuấn Anh.
Kết quả nghiên cứu của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho thấy, các mô hình trồng thuần mắc ca tại các địa điểm xã Ea H’Mlay, huyệnM’ Đrăk (Đắk Lắk); xã Đắk Rông, huyện KBang (GiaLai); thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) lần lượt có năng suất 1 tấn hạt/ha đối với cây 5 năm tuổi, 1,2 tấn hạt/ha đối với cây 6 năm tuổi và đạt 3,5 tấn hạt/ha đối với cây 10 năm tuổi. Hiệu quả kinh tế đạt từ 80 - 300 triệu đồng/ha.
Các mô hình trồng xen mắc ca trong vườn cà phê tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), huyện Ea H’Leo (Đắk Lắk) và huyện Đắk Mil (Đắk Nông) có năng suất từ 0,5 - 1,2 tấn hạt/ha với vườn cây 6 - 7 năm và đều có hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng thuần cà phê từ 23 - 60 triệu đồng/ha.
Trong khi đó tại các địa phương có độ cao dưới 500m như Ea Súp, Buôn Đôn (Đắk Lắk), cây thường cho năng suất không ổn định, nhiều cây có ra hoa đậu quả nhưng sau đó rụng quả nhiều. Tại các địa phương có vĩ độ lớn hơn vùng Tây Nguyên có thể trồng ở những khu vực có độ cao thấp hơn 500m so mặt nước biển nhưng phải đáp ứng được yêu cầu nhiệt độ thích hợp trong giai đoạn ra hoa, đậu quả.
Lượng mưa tối ưu cho cây mắc ca phát triển từ 1.500 - 2.500mm, phân bố đều trong năm. Nơi có mùa khô hạn kéo dài nếu được tưới nước bổ sung cây sẽ cho năng suất cao. Giai đoạn ra hoa, đậu quả không có mưa phùn ẩm ướt là điều kiện cần thiết để mắc ca đậu quả tốt và có năng suất cao.
Phải chọn giống phù hợp
Một vấn đề cần lưu ý khi phát triển cây mắc ca là việc chọn giống phù hợp. Đối với cây lâu năm, cây giống có ảnh hưởng lâu dài đến hiệu quả sản xuất. Mắc ca là cây giao phấn chéo, vì vậy hạt mắc ca là sự kết hợp đặc điểm di truyền của cây mẹ và cây bố.
Nếu nhân giống bằng hạt (cây thực sinh) thì chỉ chọn lọc được cây mẹ nhưng không kiểm soát được nguồn phấn của cây bố và cây con ươm từ hạt sẽ không thể có được đầy đủ các đặc tính tốt của cây mẹ. Do đó, nên trồng bằng các cây ghép có chồi là những giống tốt và được cung cấp từ các nhà sản xuất có uy tín, đã được cấp phép.
Chỉ nên trồng mắc ca bằng các cây giống ghép có chồi là những giống tốt và được cung cấp từ các nhà sản xuất có uy tín, đã được cấp phép. Ảnh: TL.
Để đáp ứng nhu cầu giống cây mắc ca, Bộ NN-PTNT đã công nhận 13 giống cây mắc ca gồm: A16, A38, Daddow, OC, QN1, 246, 695, 741, 800, 816, 842, 849, 900. Trong các giống đã được công nhận, giống OC thường có năng suất và chất lượng hạt cao nhất ở các vùng trồng. Đặc điểm của giống này là quả không tự rụng, cần được thu hoạch từ trên cây, điều này có thể làm tăng thêm chi phí thu hoạch nhưng hạn chế được sự phá hại của nấm bệnh do quả tiếp xúc lâu với mặt đất.
Đề án phát triển bền vững cây mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định 344/QĐ-TTg, ngày 13/5/2022) đặt mục tiêu đạt sản lượng 130.000 tấn hạt vào năm 2030, diện tích cả nước đạt từ 130.000 - 150.000ha, tập trung tại các tỉnh vùng Tây Bắc (khoảng 75.000 - 95.000ha) và Tây Nguyên (45.000ha), các địa phương khác có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp với yêu cầu sinh thái của cây mắc ca (khoảng 10.000ha). Đề án cho thấy cây mắc ca được định hướng phát triển tập trung chủ yếu ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên, các địa phương khác chỉ chiếm 6 - 7% tổng diện tích.
Vì vậy, các địa phương ngoài vùng quy hoạch cần hết sức thận trọng khi phát triển cây mắc ca. Cần xây dựng, đánh giá toàn diện các mô hình trước khi nhân rộng để tránh những tổn thất không đáng có.
Mắc ca là cây cao, tán to dày, có hệ thống rễ chùm lớn tập trung ở tầng đất mặt khoảng 70cm trở lại nhưng rễ cọc không ăn sâu nên có nguy cơ đổ, ngã khi có gió lốc, bão lớn. Vì vậy, không trồng mắc ca ở vùng có bão. Cây mắc ca có thể sinh trưởng trên nhiều loại đất khác nhau nhưng thích hợp với các loại đất tơi xốp, thoát nước tốt, tầng đất sâu trên 1m. Thực tế sản xuất mắc ca tại các tỉnh Tây Nguyên trên 15 năm qua cho thấy rõ hơn điều này.
TS Lê Ngọc Báu
NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM