NGHỆ AN Phê duyệt kế hoạch phòng chống các dịch bệnh thủy sản nguy hiểm tới năm 2030, ưu tiên đầu tư hạ tầng vùng nuôi..., Nghệ An đang chú trọng dài hơi cho ngành thủy sản.
Sớm phê duyệt kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản đến 2030
Nghệ An có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn, riêng năm 2021 dự kiến 21.420 ha (18.870 ha nuôi mặt nước, 2.550 ha nuôi mặn lợ).
Hội tụ đầy đủ các loại hình (nuôi trên biển, ven biển, nuôi ngọt nội địa và nuôi lồng trên thủy vực mặt nước lớn), các chuyên gia đầu ngành đánh giá Nghệ An có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nuôi trồng thủy sản.
Nghệ An vừa phê duyệt kế hoạch dài hơi cho phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản giai đoạn 2021 – 2030. Ảnh: Việt Khánh.
Tuy nhiên để duy trì tính bền vững đòi hỏi phải đảm bảo nhiều yếu tố, đi đầu là ứng phó với dịch bệnh. Những năm gần đây, song song với sự phát triển lớn mạnh của ngành nghề nuôi trồng thủy sản, môi trường nuôi tại Nghệ An đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Có thời điểm, các vùng nuôi tôm tập trung ghi nhận lượng tồn dư lớn của các chất hữu cơ bị lắng đọng qua nhiều năm. Đây lại là môi trường thuận lợi cho các mầm bệnh gây hại phát sinh và lây lan. Bên cạnh đó là nỗi lo thường trực đến từ quá trình bồi lắng của dòng chảy, lâu dần gây ảnh hưởng lớn đến nguồn nước cấp…
Xuất phát từ nhu cầu cấp bách, ngày 18/6/2021, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 1968/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản giai đoạn 2021 – 2030, yêu cầu UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch cụ thể.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, ông Trần Xuân Học cho biết: Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan, UBND cấp xã căn cứ nội dung của Quyết định 1968/QĐ-UBND và Kế hoạch của từng địa phương để chủ động tham mưu, thực hiện có hiệu quả.
Trên tinh thần đó, đã đẩy mạnh công tác truyền thông về các quy định, biện pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản; tuyên truyền sâu rộng nhằm hướng dẫn người nuôi áp dụng đúng quy trình, kỹ thuật, lịch mùa vụ, ngừng sử dụng kháng sinh trước thời điểm thu hoạch.
Thời gian gần đây, công tác quản lý dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản ở Nghệ An, đặc biệt là nuôi tôm cho thấy tín hiệu tích cực. Ảnh: Việt Khánh.
Bên cạnh đó, xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh theo Quy định tại Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT; tổ chức giám sát chủ động, bị động các tác nhân gây bệnh nguy hiểm tại các cơ sở giống, cơ sở nuôi, vùng nuôi. Ưu tiên giám sát tại vùng nuôi trọng điểm, tập trung, vùng ứng dụng công nghệ cao…
Bên cạnh công tác tuyên truyền, nhiệm vụ đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ nuôi trồng thủy sản theo hình thức đồng bộ, khép kín (nâng cấp hệ thống điện, trạm bơm, kênh cấp và thoát nước, ao lắng, ao xử lý nước thải)… cũng đã được Nghệ An đặc biệt được chú trọng.
Điển hình phải kể đến dự án Xây dựng hệ thống cấp nước biển phục vụ nuôi tôm công nghiệp theo quy chuẩn VietGAP tại xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu với kinh phí thực hiện khoảng 60 tỷ đồng.
Công trình có nhiều hạng mục, trong đó tuyến kênh chứa nước mặn (hồ chứa nước cấp) có chiều dài trên 668m. Thời gian triển khai dự án tối đa 3 năm, dự kiến khi vào hoạt động sẽ đảm bảo cấp đầy đủ nước biển cho 100 ha diện tích nuôi tôm công nghiệp tại xã Quỳnh Bảng.
Diễn biến dịch bệnh trên nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nghề nuôi tôm tại Nghệ An thời gian qua đã cho thấy tín hiệu tích cực. Cụ thể, từ đầu tháng 5 đến cuối tháng 8/2021, dịch bệnh trên tôm thẻ chân trắng chỉ xuất hiện lác đạc tại 6 vùng nuôi, gồm Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai); Quỳnh Minh, Quỳnh Bảng, Quỳnh Thuận (huyện Quỳnh Lưu); Diễn Vạn (huyện Diễn Châu); Nghi Tiến (huyện Nghi Lộc) với tổng diện tích 17,27 ha (51 đầm/35 hộ nuôi).
Nuôi tôm công nghệ cao, không lo dịch bệnh
Tốt nghiệp Khoa Nuôi trồng thủy sản, Đại học Vinh (liên kết với Trường Đại học Nha Trang), qua nhiều năm công tác tại các doanh nghiệp về thủy sản như Công ty Giống Thủy sản Nghệ An, Công ty Cổ phần Intimex..., kỹ sư Nguyễn Việt Thắng được giới trong ngành thủy sản ở xứ Nghệ đánh giá cao về uy tín, kinh nghiệm trong nghề.
Nuôi tôm 3 giai đoạn trên bể tròn nổi của kỹ sư Nguyễn Việt Thắng cho thắng lợi lớn, chủ động kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: Việt Khánh.
Năm 2018, anh Thắng đã bạo dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên bể tròn nổi, và là người đầu tiên trên địa bàn Nghệ An áp dụng phương pháp này.
Qua 3 năm triển khai, anh Thắng nhận thấy nuôi tôm trong bể tròn nổi “ăn đứt” cách thức truyền thống. Cách này giúp gia tăng vượt trội mật độ thả nuôi nhưng giảm đáng kể quy mô diện tích, lại dễ kiểm soát dịch bệnh. Làm một phép so sánh đơn thuần, nếu nuôi thông thường chỉ loanh quanh mức 100 – 150 con giống/m2, giờ đây với cách mới có thể nhân lên gấp bội, đạt đến 300 con/m2.
Giai đoạn 1, sẽ tiến hành ương giống từ 20 – 25 ngày, sau đó chuyển tiếp sang giai đoạn 2, mật độ 600 con/m2, thời gian kéo dài trên 1 tháng. Khi con tôm đủ cứng cáp, sẽ chuyển sang giai đoạn 3, lúc này giảm mật độ xuống 300 con/m2, nuôi trong vòng 1 tháng rồi thu hoạch. Nhiều công đoạn hơn nhưng thời gian nuôi chỉ dao động từ 3 – 4 tháng/ vụ, một năm có thể duy trì đều đặn 3 vụ.
Vẫn biết nghề nuôi tôm "một vốn bốn lời", nhưng đấy là khi mưa thuận gió hòa, bằng không nguy cơ "mất cải chì lẫn chài" là điều khó tránh. Kinh phí đầu tư vào ao đầm rất lớn, lắm lúc chỉ một thoáng sơ sẩy là của nả trôi sông trôi biển.
Dạn dày với nghề nên thừa hiểu mối hiểm họa treo lơ lửng, do đó anh Nguyễn Việt Thắng luôn chủ động đi tắt đón đầu trong mọi tình huống, phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” luôn được đặt lên hàng đầu.
Công nghệ nuôi tôm 3 giai đoạn trên bể tròn của anh Thắng đầu tư lớn, nhưng cũng rất ít rủi ro dịch bệnh: Ảnh: Võ Dũng.
Áp dụng theo quy chuẩn hiện đại bậc nhất nên công tác kiểm tra, đánh giá nguồn nước đầu vào đòi hỏi sự tỉ mẩn, yêu cầu qua nhiều công đoạn. Nước trước khi dẫn vào bể nuôi phải được xử lý kỹ lưỡng thông qua hệ thống sàng, lọc, phải tiến hành tiệt trùng, diệt khuẩn (nếu có).
Chưa dừng lại, xuyên suốt quá trình nuôi, phải liên tục bổ sung nguồn vi sinh cần thiết, bình quân 2 ngày 1 lượt nhằm lấn át các vi sinh gây hại tồn tại trong nguồn nước, đồng thời bổ trợ thêm các chất giúp tôm tăng cường sức đề kháng. Đảm bảo cả 2 yếu tố trên, kết hợp với điều kiện thời tiết thuận lợi thì nắm chắc đến 99% phần thắng.
Thống kê sơ bộ, một hệ thống nuôi tôm đúng quy chuẩn 3 giai đoạn (bể tròn nổi, quạt, sục khí, lọc nước, lưới che…) có mức đầu tư rất đắt đỏ, dù vậy hiệu quả kinh tế cũng tỷ lệ thuận theo. Vì lẽ đó, anh Thắng đã mạnh dạn nhân rộng quy mô thành 2 khu nuôi riêng biệt, một khu nuôi tại xã Nghi Yên (huyện Nghi Lộc), một khu tại xã Diễn Trung (huyện Diễn Châu) với tổng diện tích 3 ha, kinh phí đầu tư ước lên tới 10 tỷ đồng.
“Thoạt nhìn số tiền đầu tư cho công nghệ nuôi hiện đại bỏ ra có thể khiến nhiều người choáng váng, tuy nhiên nếu tính toán dài hơi thì chẳng đáng ngại. Trên thực tế, người nuôi thắng lớn nhờ mật độ nuôi tăng, chi phí nhân công giảm, dịch bệnh được kiểm soát tối đa. Người tiêu dùng được hưởng thụ chất lượng thành phẩm vượt trội, đó thực sự là lợi ích kép”, kỹ sư Nguyễn Việt Thắng khẳng định.
Việt Khánh - Võ Dũng
Nguồn Nông nghiệp Việt Nam