Xuất khẩu ớt bất ngờ đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhóm các mặt hàng rau củ của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2021, thúc đẩy giá ớt chỉ thiên ở nhiều địa phương tăng cao ngay từ đầu năm.
Giá ớt chỉ thiên nhiều địa phương tăng gấp 3 lần
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu ớt đạt tốc độ tăng trưởng rất khả quan do Trung Quốc tăng cường thu mua để đáp ứng nhu cầu trong nước, thúc đẩy giá ớt chỉ thiên ở nhiều địa phương tăng cao, nông dân có lãi khá.
Cụ thể, giá trị kim ngạch xuất khấu ớt trong tháng 1/2021 đạt tới 6,8 triệu USD, tăng 21,2% so với tháng 12/2020, tăng 67,2% so với tháng 1/2020.
Xuất khẩu ớt tăng đột biến đã góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng rau củ, với mức tăng trưởng cao nhất so với các nhóm hàng khác.
Trong tháng 1/2021, xuất khẩu nhóm hàng rau củ đạt 26,9 triệu USD, tăng 35,4% so với tháng 12/2020, tăng 46,3% so với tháng 1/2020. Ngoài ớt, bắp cải cũng là mặt hàng đạt tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rất cao trong tháng 1/2021.
Xuất khẩu ớt khả quan đã góp phần đẩy giá ớt chỉ thiên tăng đột biến. Trung Quốc không trồng được ớt trong mùa đông nên tăng cường thu mua ớt của Việt Nam, Thái Lan để đáp ứng nhu cầu trong nước là nguyên nhân khiến giá ớt tăng đột biến ngay từ đầu năm.
Khảo sát tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, giá ớt chỉ thiên thu mua tại vườn trong tháng 1/2021 lên đến 96.000 đồng/kg, so với cùng kỳ năm ngoái giá tăng gấp ba lần.
Hiện nay, giá ớt chỉ thiên đang nằm ở mức 80.000 - 90.000/kg.
Cụ thể, giá ớt chỉ thiên xuất khẩu tại Đồng bằng sông Cửu Long đạt 80.000 - 90.000 đồng/kg; giá ớt chỉ thiên tại Đăk Nông, Gia Lai, Đăk Lăk, Kon Tum, Bình Phước cũng dao động ở mức 80.000 - 90.000 đồng/kg.
Với mức giá này, nông dân trồng ớt chỉ thiên có thể thu lãi từ 30 - 40 triệu đồng/ vụ, mỗi vụ trồng ớt kéo dài từ 5 - 6 tháng.
Trung Quốc mua nhiều, thúc đẩy giá ớt chỉ thiên ở nhiều địa phương như Đăk Lăk, Đăk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước... tăng mạnh ngay trong những tháng đầu năm 2021. Ảnh: I.T
Trung Quốc mua nhiều, giá ớt chỉ thiên, thanh long đều tăng
Theo bản tin Thị trường nông, lâm, thủy sản của Bộ Công Thương, những tháng đầu năm 2021, ghi nhận sự gia tăng đột biến về xuất khẩu rau củ quả ở thị trường Trung Quốc.
Cụ thể, xuất khẩu rau quả tháng 2/2021 ước đạt 300 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 2 tháng đầu năm 2021 đạt 610 triệu USD, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2020.
Chỉ tính trong tháng 1/2021, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam với 59,1% thị phần, đạt 182,9 triệu USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tiếp đến là Thái Lan đạt 16,2 triệu USD (chiếm 5,2%, tăng 14,8%).
Trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu, nhóm quả và quả hạch xuất khẩu trong tháng 1/2021 ghi nhận mức tăng trưởng cao, đạt 216,44 triệu USD, tăng 26,4% so với tháng 12/2020 và tăng 4,1% so với tháng 1/2020.
Trong đó, trị giá xuất khẩu thanh long tươi hoặc đông lạnh đạt 119,85 triệu USD, tăng 64% so với tháng 12/2020 và tăng 14,7% so với tháng 1/2020.
Thanh long tươi hoặc đông lạnh là chủng loại quả xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu hàng rau quả xuất khẩu trong tháng 1/2021.
Bên cạnh đó, trị giá xuất khẩu nhiều chủng loại trái cây và hạt chính cũng ghi nhận mức tăng trưởng khá cao trong tháng 01/2021 như xoài, dừa, chuối, hạt óc chó, hạt macadamia.
Ngoài ra, trị giá xuất khẩu một số chủng loại rau, củ, quả đã qua chế biến tăng so với tháng 12/2020 và so với tháng 1/2020 như lá nho chế biến, nước dứa, dứa sấy, khoai lang sấy, nước mãng cầu, thạch, nước lạc tiên.
Theo nhận định của ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), với những tín hiệu khả quan về thị trường, kỳ vọng xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sẽ có một năm khởi sắc, bất chấp đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Đầu năm 2021, ngành hàng rau quả của Việt Nam đã đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường tiềm năng lớn như: Ai Cập, Kuwait, Ukraine, Senegan...
Đây sẽ là những thị trường giúp ngành hàng rau quả Việt Nam nâng cao giá trị xuất khẩu trong năm 2021 và những năm tiếp theo.
Khánh Nguyên
Nguôn Báo Dân Việt