Có thể xem anh là một chuyên gia cá cảnh công nghệ cao ở Long An, “trị” được các loại cá cảnh khó tính. Tên anh là Hồ Nhuận Đăng Sơn, kỹ sư chăn nuôi - thú y. Năm 2021, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng con số này vẫn tăng (doanh thu hơn 6 tỉ đồng, lợi nhuận gần 2 tỉ đồng)...
Có thể xem anh là một chuyên gia cá cảnh công nghệ cao ở Long An, “trị” được các loại cá cảnh khó tính. Tên anh là Hồ Nhuận Đăng Sơn, kỹ sư chăn nuôi - thú y.
Năm 2003, anh Đăng Sơn thử sức trẻ, vay mượn tiền để khởi nghiệp nuôi 10.000 con gà công nghiệp nhưng gà chưa kịp “đẻ trứng vàng” thì bệnh cúm gia cầm bùng phát như “trận bão” dữ quét sạch đàn gà của anh.
Rồi anh đi từ TP.HCM đến tỉnh này, thành nọ chỉ để coi người ta nuôi cá cảnh thế nào. 2 năm sau, anh trở về phường 7, TP.Tân An, cất nhà, dựng trại, xây hồ, bể nuôi cá cảnh với các loại cá bảy màu, lia thia,...
Nay gặp lại, anh đã có một cơ ngơi kinh doanh cá cảnh. Cả không gian nửa sau tòa nhà 2 tầng của anh là các phòng lạnh với nhiều loại hồ, bể và máy móc, thiết bị đủ cho anh làm thí nghiệm, xử lý môi trường nước, thuần dưỡng, lai tạo và nhân giống các loại cá cảnh bằng công nghệ cao. Anh thực hiện thành công mô hình Thực hành quản lý tốt (GMP) trong sản xuất cá cảnh do Sở Khoa học và Công nghệ cấp kinh phí.
Đề tài đăng ký là “Giải pháp sáng tạo công nghệ sinh sản và nuôi thương phẩm cá ông tiên” do anh làm chủ nhiệm cũng đã thực hiện thành công tại cơ sở Thực nghiệm cá cảnh thuộc Hội Sinh vật cảnh (SVC) tỉnh qua Hội thi Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông năm 2020 do Hội Nông dân Việt Nam tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An đồng tổ chức.
Thâm trầm, khiêm tốn trước những thành công trong nuôi cá cảnh bằng công nghệ cao, kỹ sư Đăng Sơn trở thành một cái tên khá quen thuộc trong làng cá cảnh và SVC tỉnh.
Anh Hồ Nhuận Đăng Sơn cho cá ăn tại trại nuôi ươm nuôi cá cảnh công nghệ cao ở xã An Vĩnh Ngãi, TP.Tân An, tỉnh Long An. (ảnh: nhân vật cung cấp)
Kỹ sư Đăng Sơn cũng là Tổng Thư ký Hội SVC tỉnh từ ngày thành lập cho đến nay. Tuy bận rộn với công việc nghiên cứu khoa học và sản xuất, đưa ra thị trường các dòng cá cảnh “ăn khách” nhất nhưng công việc của Hội SVC tỉnh, anh vẫn chỉn chu.
Có nhà báo gọi Hồ Nhuận Đăng Sơn là “quái kiệt” - người có tài trí lạ lùng vì thấy anh bắt những con cá cảnh khó tính phải đột biến gien để hóa thân bằng hình dáng và màu sắc độc, lạ. Anh từng bỏ ra nhiều ngàn USD mua cá giống ngoại để thuần hóa và nhân giống.
Những lần đó, anh cũng gặp thất bại đến trắng tay, phải xoay xở vốn liếng từ nhiều nguồn để làm lại từ đầu nhưng vẫn không từ bỏ đam mê của mình. Cuối cùng, anh hái được những “quả ngọt”.
Cá cảnh có giá trị cao đều có nhiều giống và tên khoa học khác nhau mà chuyên gia như anh Đăng Sơn mới phân biệt được. Ví như con cá Koi - mỹ ngư số 1 thế giới, nguyên là loài cá chép được người Nhật thuần hóa, lai tạo, làm biến đổi gien, có màu sắc, vây, vảy óng ánh, kiêu sa.
Anh Đăng Sơn cho biết, đang nhắm tới loài cá quý tộc này. Không rõ tới nay, kỹ sư Đăng Sơn đã làm “bà đỡ mát tay” cho bao nhiêu loài cá cảnh thời thượng. Chỉ biết, anh cho ra đời những dòng cá hòa lan, tai tượng da beo, trân châu, chép Nhật, hồng kim, ông tiên,...
Các loại cá cảnh đang được ươm nuôi tại trang trại nuôi cá cảnh công nghệ cao của anh Hồ Nhuận Đăng Sơn (ảnh: nhân vật cung cấp)
Nhà “cá cảnh học” Hồ Nhuận Đăng Sơn đang sở hữu nhiều ao ươm nuôi cá cảnh, diện tích mặt nước có cái cả ngàn mét vuông ở phường 7 và xã An Vĩnh Ngãi (TP.Tân An). Chỉ riêng cá dĩa, anh có 300 hồ nuôi. Mỗi lần xuất bán cho đại lý cá cảnh trong nước hay doanh nghiệp xuất khẩu, cá cảnh của “lò” Hồ Nhuận Đăng Sơn phải tính hàng tấn trở lên.
Năm 2017, tổng doanh thu cá cảnh của anh hơn 1,7 tỉ đồng, lợi nhuận thực thu gần 1 tỉ đồng. Năm 2021, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng con số này vẫn tăng (doanh thu hơn 6 tỉ đồng, lợi nhuận gần 2 tỉ đồng). Như vậy, mỗi tháng, anh “bỏ túi” non 200 triệu đồng và năm sau luôn cao hơn bội lần năm trước.
Hồ Nhuận Đăng Sơn không chỉ làm giàu cho mình và gia đình mà còn thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân thích sản xuất, kinh doanh cá cảnh. Hội SVC tỉnh thành lập chi hội cá cảnh, nghệ nhân Đăng Sơn đã và đang “đỡ đầu” cho 280 hội viên hoạt động.
Nhiều hộ nhờ được anh trợ sức nuôi cá cảnh mà thoát nghèo, vươn lên khá giả. Anh còn đóng góp các quỹ như Khuyến học, Xóa đói giảm nghèo, xây nhà tình nghĩa và các phong trào khác ở địa phương.
Từ năm 2017 đến nay, năm nào, nghệ nhân SVC Hồ Nhuận Đăng Sơn cũng được UBND tỉnh tặng bằng khen Nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh. Năm 2020, anh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng bằng khen Nông dân Việt Nam xuất sắc.
Quang Hảo (Báo Long An)