(TSVN) – Theo Trung tâm Khuyến nông Thái Bình, thời gian qua, tại mỗi địa phương, nhiều mô hình thủy sản mới được người dân áp dụng, bước đầu cho hiệu quả khả quan, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế hộ gia đình.
Điển hình như mô hình thủy sản trên ếch dưới cá của chị Nguyễn Thị Chuyên (thôn Khả Tân, xã Duyên Hải, huyện Hưng Hà). Mô hình được chị Chuyên sắp xếp nuôi trên ếch, dưới cá rất khoa học, thoáng đãng, sạch sẽ. Với gần 1 ha mặt nước, chị cải tạo, xây dựng thành 2 ao nuôi ếch, trong đó bố trí 56 lồng lưới để nuôi ếch trên mặt nước, mỗi lồng nuôi khoảng 2.500 ếch thịt và một khu riêng để nuôi 3.000 – 5.000 ếch bố mẹ cùng hàng vạn ếch giống; ở dưới ao chị nuôi cá rô đầu vuông. Việc kết hợp nuôi trên ếch, dưới cá không chỉ tiết kiệm công vệ sinh nuôi thả mà chất thải của ếch sẽ là nguồn thức ăn cho cá. Ngược lại, cá sẽ làm “nhiệm vụ” vệ sinh đáy ao, cải tạo nguồn nước, hạn chế dịch bệnh xảy ra.

Chị Chuyên chia sẻ: “Khi địa phương có chủ trương chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang NTTS, tôi và gia đình mạnh dạn xin cấp phép chuyển đổi. Do xác định ngay từ đầu nuôi con gì nên tôi không ngần ngại tiến hành thuê người đào ao, đồng thời tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trên sách báo, mạng xã hội để áp dụng khoa học kỹ thuật vào mô hình của mình. Lúc đầu còn nhiều khó khăn về thị trường, kinh nghiệm nuôi, nhưng trải qua nhiều lần thất bại, lâu dần tôi cũng tích lũy được kinh nghiệm. Ếch rất dễ nuôi, có thể chủ động được nguồn thức ăn, ít xảy ra dịch bệnh nên chi phí đầu tư thấp”.
Để bảo đảm nguồn ếch thịt cung cấp cho thị trường, chị Chuyên nuôi gối vụ liên tục, thu hoạch luân phiên. Mỗi lồng nuôi cách nhau 10 – 15 ngày để dễ phân loại. Cứ một tháng thu ếch giống một lần, 2 – 3 tháng bắt đầu thu ếch thịt. Từ đầu năm đến nay chị đã cung cấp ra thị trường khoảng 6 tấn ếch thịt, 6 vạn ếch giống, mỗi tháng thu về gần 20 triệu đồng. Hiện nay, ếch giống và ếch thịt của gia đình chị thu đến đâu đều được thương lái mua ngay đến đó, thậm chí có những thời điểm không đủ để cung ứng cho thị trường.
Theo một khách quen mua ếch của gia đình chị Chuyên, mỗi lần ông mua khoảng 1 tấn ếch thịt để đổ cho các chợ. Ếch của gia đình chị Chuyên rất to, khỏe, dễ bán.
Trạm Khuyến nông huyện Hưng Hà đánh giá, mô hình phù hợp với kinh tế hộ gia đình. Với các làm kết hợp hai trong một này, thức ăn rơi vãi, chất thải của ếch sẽ là nguồn thức ăn cho cá, góp phần giảm chi phí thức ăn, hạn chế ô nhiễm ao nuôi. Nhờ năng động, chịu khó, dám nghĩ dám làm, đến nay mô hình của chị Chuyên đã cho hiệu quả kinh tế cao. Từ hiệu quả mô hình, Trạm khuyến nông cũng như các tổ chức hiệp hội trên địa bàn huyện sẽ nhân rộng và khuyến khích các hộ gia đình đủ điều kiện tham gia.
Tuy nhiên, cũng như nhiều hộ gia đình khi bắt tay vào làm kinh tế, khó khăn lúc đầu của chị Chuyên là vấn đề về vốn. Theo Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Duyên Hải, để giúp chị Chuyên xây dựng mô hình, Hội đã đứng ra giúp chị vay 200 triệu đồng từ Ngân hàng NN&PTNT huyện để đầu tư. Vì vậy, để mô hình được nhân rộng thì rất cần sự quan tâm của ngành chức năng hỗ trợ người dân tham gia phát triển sản xuất.
>> Chị Nguyễn Thị Chuyên chia sẻ: “Nuôi ếch thịt ngắn ngày hơn (chỉ từ 60 – 70 ngày), trong khi nuôi cá mất ít nhất 6 tháng mới bán được. Thêm nữa, giá ếch thịt lại ổn định (37.000 – 50.000 đồng/kg). Kết hợp được cả cá và ếch sẽ cho lợi nhuận gấp đôi. Qua 8 năm, mô hình đã phát huy hiệu quả, cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm”. |
Ngọc Diệp
Nguồn Tin Báo Thủy Sản Việt Nam