Với cách nuôi cá lóc sáng tạo trong vèo và bể xi măng lót bạt, nhiều hộ dân xã biên giới Phước Chỉ (Tây Ninh) đã lập HTX liên kết cùng chuyển đổi hiệu quả.
Chuyện về anh “Giang cá lóc”
Nằm ở cánh Tây TX.Trảng Bàng, được bao bọc bởi hệ thống sông Vàm Cỏ Đông, xã biên giới Phước Chỉ gần như biệt lập với phần sôi động còn lại của tỉnh Tây Ninh. Trước đây, đời sống người dân chủ yếu dựa vào cây lúa thì nay nhờ vào sự vào cuộc của chính quyền địa phương trong việc vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trong đó, mô hình nuôi cá lóc trong vèo đã và đang đem lại hiệu quả thiết thực, đời sống người dân ngày được nâng lên. Điển hình là gia đình anh Nguyễn Trường Giang, một trong những người phát triển nuôi cá lóc thịt trong vèo đầu tiên ở địa phương.
Những vèo nuôi cá lóc nằm giữa những ruộng lúa bên dòng sông Vàm Cỏ Đông êm đềm tạo nên bức tranh đồng quê đầy thơ mộng tại xã biên giới Phước Chỉ. Ảnh: Trần Trung.
Để đến được nhà anh Giang, chúng tôi chạy xe trên con đường đê ruộng ngoằn ngoèo vừa được bê tông hóa với bề ngang vừa lọt một chiếc xe máy, vượt qua hàng chục mẫu ruộng đang vào mùa gặt phảng phất hương thơm mùa lúa mới, xen kẽ là những ao đầy ắp cá lóc vẫy vùng sủi bọt trắng xóa, căn nhà hoành tráng của anh Giang dần lộ ra.
Đứng trên bờ ao, anh Giang kể, hơn 10 năm trước, với mong muốn tìm hướng đi cho đất lúa nhiễm phèn, ổn định kinh tế gia đình, anh đã từng nghĩ đến việc cải tạo đất để trồng cây ăn quả. Nhưng khi chứng kiến một số khu ruộng tại địa phương đã thực hiện nhưng hiệu quả không cao, anh đã nghĩ lại. Nhận thấy, Phước Chỉ có sông Vàm Cỏ bao bọc phù hợp nuôi trồng thủy sản, tận dụng mùa nước nổi, anh tiến hành vây lưới trên sông để nuôi cá lóc. Tuy nhiên, việc nuôi trên sông bộc lộ nhiều bất cập bởi tỷ lệ hao hụt cao, tiêu tốn thức ăn nhiều, chưa kể vào mùa mưa lũ không ít lần lưới bị cuốn trôi dẫn tới mất trắng.
Một góc khu vực nuôi cá lóc của gia đình anh Giang. Ảnh: Trần Trung.
Không từ bỏ ý định, qua một thời gian tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nuôi cá từ các mô hình hay và được tư vấn kỹ thuật nuôi cá của cán bộ khuyến nông địa phương, anh mạnh dạn cải tạo gần 1.000 m2 đất trồng lúa để đào ao nuôi cá trong vèo. Lúc đầu nuôi cá lóc trong vèo còn gặp nhiều khó khăn, bằng sự hỗ trợ tận tình của cán bộ khuyến nông, giờ đây anh đã chủ động được thức ăn, quản lý được dịch bệnh trên đàn cá lóc và cho hiệu quả kinh tế cao.
Theo anh Giang, để nuôi cá lóc trong vèo đạt năng suất và lợi nhuận cao trước hết phải chọn được cá lóc giống tốt, quản lý được dịch bệnh. Tùy theo độ tuổi của cá mà mật độ mỗi vèo khác nhau. Vèo nuôi cá thương phẩm với mật độ là 50 con/m2. Vèo được xây dựng hình vuông hoặc hình chữ nhật, đáy vèo đặt cách đáy ao khoảng 5 tấc, độ sâu nước trong vèo phải đạt từ 2,5m trở lên….
“Nuôi cá lóc trong vèo có nhiều ưu điểm như nuôi ở mật độ cao để có sản lượng lớn, thức ăn được tập trung, cá không bị cọ sát đáy ao hoặc không chui được xuống bùn nên ít bị xây xát, ít nhiễm bệnh nên tỉ lệ hao hụt thấp và nhất là việc xử lý thuốc phòng trị bịnh cho cá thuận lợi và ít tốn kém hơn trong ao đất. Cá nuôi trong vèo lưới tăng trọng nhanh và kích cỡ đồng đều, giá trị thương phẩm cao hơn. Đồng thời, bên ngoài vèo, người nuôi có thể thả thêm các loại cá ăn tạp nhằm cải tạo ao, tận dụng thức ăn thừa, đây cũng là nguồn thu không nhỏ”, anh Giang chia sẻ.
Anh Giang chăm sóc vèo cá lóc của gia đình. Ảnh: Trần Trung.
Hiện gia đình anh đang sở hữu13 vèo, mỗi vèo có diện tích gần 20m2 với mật độ cá lóc trong vèo là 7.000 con cá lóc giống. Sau 4-5 tháng nuôi, cá lóc đạt trọng lượng từ 300-400 gram là có thương lái đến tận ao thu mua với giá ổn định 40.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu lợi nhuận không dưới 150 triệu đồng, so với canh tác cây lúa, việc nuôi cá đem lại lợi nhuận cao gấp nhiều lần.
Nở nụ cười tươi mãn nguyện trên môi, anh Giang cho biết thêm: “Nhờ tận dụng thức ăn thừa từ nuôi cá lóc, bên ngoài vèo tôi còn thả nuôi cá rô đồng, mặc dù chỉ thả 150 kg cá rô đồng giống/vụ tương đương 500kg cá rô đồng thương phẩm sau thu hoạch, nhưng với giá bán 120.000 đồng/kg, tôi còn bỏ túi thêm không dưới 50 triệu đồng”.
Liên kết sản xuất nâng cao chuỗi giá trị
Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Giang còn biết đến là người tích cực chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết sản xuất, cùng người dân địa phương làm giàu. Tháng 8/2021 vừa qua, HTX dịch vụ nông nghiệp - nuôi trồng thủy sản Tràm Cát ra đời, tiền thân là tổ hợp tác chuyên nuôi cá lóc trong vèo cũng do chính anh thành lập.
Anh Giang chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với các thành viên trong HTX. Ảnh: Trần Trung.
Anh Giang chia sẻ, với 53 thành viên, và trên 100 thành viên trong vùng sản xuất, mỗi thành viên nuôi từ 5.000 đến hơn 10.000 con cá lóc giống. Để chủ động sản xuất, HTX đã xúc tiến ký kết hợp tác cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra với một doanh nghiệp có uy tín tại địa phương.
“Mới đây, có 16 hộ thành viên của HTX thu hoạch được trên 103.000 con cá lóc, trọng lượng trên 21 tấn. Với giá bán cá lóc là 40.000 đồng/kg, trừ chi phí chăm sóc, thức ăn, 16 hộ đã thu lãi lớn”, anh Giang phấn khởi nói.
Anh Giang cho biết thêm, để nâng cao lợi nhuận từ nghề nuôi cá lóc cho các xã viên, HTX đang tiếp tục cải tiến phương thức chăn nuôi bằng mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng có lót bạt. Hiện có 5 thành viên trong HTX đã cải tiến diện tích khoảng 100m2 nuôi 30 ngàn con giống.
Chị Nguyễn Thị Thúy An phấn khởi bên mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng lót bạt của gia đình. Ảnh: Trần Trung.
Chị Nguyễn Thị Thúy An, một trong những thành viên đầu tiên thử sức mô hình mới này cho biết, nhược điểm lớn nhất nuôi cá trong bể xi măng là tốn kinh phí và nhân công, ngoài xây bể còn phải lắp đặt hệ thống ôxi đáy, người nuôi cũng thường xuyên thay nước ít nhất 1 tuần 5 lần để cá phát triển ổn định. “Tuy nhiên, nuôi cá trong bể xi măng có lót bạt bảo đảm được nguồn nước sạch, cá không bị bệnh, ít hao thức ăn, tiết kiệm được khoảng 1/3 thức ăn so nuôi trong vèo. Sau một chu kỳ nuôi 5 tháng, cá có thể xuất bán hiệu quả, đem lại thu nhập cao”, chị An chia sẻ.
Mô hình nuôi cá lóc trong vèo xen canh các loại cá khác đang đem lại hiệu quả kinh tế cao đối với người dân Phước Chỉ nói chung, HTX Tràm Cát nói riêng.
Nói về định hướng phát triển trong thời gian tới, anh Giang tiết lộ, HTX Dịch vụ Nông nghiệp - Nuôi trồng thủy sản Tràm Cát đang nhân rộng mô hình nuôi cá lóc trong bể xi măng lót bạt, khuyến khích thành viên HTX áp dụng mô hình để nâng cao lợi nhuận. Đồng thời HTX cũng đang có kế hoạch đầu tư hệ thống máy sấy để mở rộng quy mô chế biến khô cá lóc, nâng cao lợi nhuận từ nghề nuôi cá lóc cho tất cả các thành viên. HTX mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhất là vốn, để HTX mở rộng thêm nhiều ngành nghề kinh doanh đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ cho biết: Cá lóc là loại cá nước ngọt dễ nuôi, có phẩm chất thịt ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện nay, nguồn cá trong tự nhiên bị khai thác quá mức đã ngày càng cạn kiệt. Do đó, việc phát triển mô hình nuôi cá lóc trên địa đã góp phần đảm bảo nhu cầu của thị trường. Mô hình còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân.
Phước Chỉ đặt ra mục tiêu nhiệm kỳ 2020-2025 xây dựng, hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất lúa, rau, cây ăn trái nhiệt đới, đặc biệt nuôi trồng thủy sản. Địa phương phấn đấu đến năm 2025 tổng sản lượng thủy sản nuôi đạt 1.000 tấn/năm.
Trần Trung – Thanh Sơn
Nông Nghiệp Việt Nam