(TSVN) – Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lý Sơn phối hợp với Viện Hải dương học thực hiện mô hình nuôi thử nghiệm nhum sọ tại vùng biển Lý Sơn. Mô hình được thực hiện 12 tháng, sau một thời gian triển khai cho thấy nhum sọ phát triển khá tốt, hứa hẹn sẽ cung cấp nguồn thịt nhum chủ động và mở ra cơ hội tạo thêm thu nhập cho người dân.
Tại Quảng Ngãi, nhum sọ phân bố ở các vùng biển: Bình Châu, Bình Đông, Bình Hải (Bình Sơn); Phổ Thạnh, Phổ Châu, Phổ Khánh (TX Đức Phổ) và huyện Lý Sơn. Nhum biển sống rất nhiều ở vùng nước nông, bãi triều.
Nhum sọ có dạng hình cầu, vỏ ngoài cứng, trên mặt vỏ có các chân gai. Thịt nhum ngọt, có nhiều chất đạm, chất béo. Thịt nhum thành phẩm có giá bán 260.000 – 300.000 đồng/kg. Là đặc sản nên vài năm trở lại đây nhu cầu tiêu thụ của người dân và du khách tăng cao dẫn đến việc khai thác quá mức nguồn nhum sọ để đáp ứng nhu cầu thị trường, khiến nhum sọ tại Lý Sơn sụt giảm, mất cân bằng hệ sinh thái.
Với mong muốn duy trì nguồn lợi nhum sọ và hình thành nghề NTTS mới cho người dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Lý Sơn phối hợp với Viện Hải dương học thực hiện mô hình nuôi thử nghiệm nhum sọ tại vùng biển Lý Sơn.
Mô hình được thí điểm tại một giàn bè của một hộ dân. Mô hình thử nghiệm tiến hành thả nuôi nhum từ tháng 8/2020, với quy mô 50 m2 lồng bè, thả 2.000 con giống trong 50 ô nuôi (40 con/ô). Qua gần 1 năm thả nuôi cho thấy, nhum sọ nuôi thích nghi với môi trường nuôi lồng bè, dễ nuôi, không tốn nhiều thời gian chăm sóc, thích ăn tạp các loại rong mơ. Nhum nuôi nhanh lớn, tỷ lệ sống đạt 86%, trọng lượng trung bình là 115 g/con, kích cỡ từ 80 – 85 mm/con. Nhum sọ nuôi thương phẩm có trứng rất chắc từ tháng thứ 6 trở đi. Các chỉ tiêu môi trường tại vùng nuôi khẳng định thích nghi với đặc điểm phát triển của nhum sọ thương phẩm. Tận dụng tiềm năng sẵn có ở địa phương như: diện tích mặt nước nuôi, con giống sẵn có ngoài tự nhiên, thức ăn rong mơ dồi dào…, nên mô hình này có nhiều triển vọng.
Việc triển khai nhiều mô hình NTTS ở Lý Sơn trong thời gian qua một mặt cải thiện thu nhập cho người dân, mặt khác góp phần giảm thiểu tần suất khai thác thủy sản ở môi trường tự nhiên, đặc biệt là trong Khu bảo tồn biển Lý Sơn.
>> Nhum sọ là loài cầu gai lớn nhanh nhất trong các loài cầu gai có giá trị kinh tế (Shimabukuro, 1982). Hiện nay, nhum sọ được khai thác để lấy trứng làm thức ăn. Theo Ngô Trọng Lư (1998), chỉ riêng trong năm 1993 ở TP Nha Trang, Khánh Hòa đã khai thác được 500 tấn nhum sọ cả vỏ, 30 tấn trứng xuất khẩu. Trứng của nhum sọ có hàm lượng protein cao (20 – 25%), bổ dưỡng, dùng để chế biến món trứng sống Sushi của người Nhật Bản và trứng sống ăn với mù tạt trong các nhà hàng ở Việt Nam. Nhiều nước trên thế giới đã và đang tiến hành nghiên cứu các đặc tính sinh học nói chung, đặc điểm sinh học sinh sản nói riêng và sinh sản nhân tạo cũng như nghiên cứu sản xuất giống và nuôi thương phẩm.
Anh Vũ
Nguồn Tin Thủy Sản Việt Nam
.jpg)